Trường THCS Cự Khối
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 5 NĂM HỌC 2022 -2023
Chủ điểm: Bác Hồ kính yêu.
Tên sách: “Truyện kể Bác Hồ với ngành giáo dục”.
Mục đích: Cuốn sách tập hợp các bài viết, bài nói, thư của Bác Hồ về ngành giáo dục, các câu chuyện kể về Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Cuốn sách sẽ cho ta thấy tình cảm, sự tin tưởng vào đội ngũ những người làm giáo dục, cũng như sự kỳ vọng lớn lao vào thế hệ tương lai của đất nước của Bác, giúp cho mọi tầng lớp xã hội càng thấm thía hơn những ý nghĩa sâu sắc trong lời dạy của Người.
Hình thức giới thiệu: Giới thiệu trước sân trường giờ chào cờ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người đã hiến dâng cả đời mình cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của đảng và dân tộc. Sinh thời Bác luôn quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của tất cả các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tháng 9/1945, trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công công học tập của các cháu.”
Nhân kỉ niệm 133 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), thư viện trường THCS Cự Khối xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc, các thầy cô giáo, cùng các em HS cuốn sách “Truyện kể Bác Hồ với ngành giáo dục” của tác giả Phan Thị Ánh Tuyết sưu tầm, tuyển chọn, do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành năm 2019. Cuốn sách dày 211 trang được in trên khổ giấy 13 x 19 cm.
Cuốn sách tập hợp các bài nói, bài viết, thư của Bác Hồ về ngành giáo dục và đào tạo. Thông qua các bài nói, bài viết, chúng ta cảm nhận được tình cảm, sự tin tưởng vào đội ngũ của những người làm giáo dục cũng như sự kì vọng lớn lao vào thế hệ tương lai đất nước của Bác, giúp cho mọi tầng lớp xã hội càng thấm thía hơn những ý nghĩa sâu sắc trong lời dạy của Người.
Cuốn sách được chia thành hai phần:
Phần thứ nhất: Một số bài nói bài viết và thư gửi của Bác Hồ về ngành giáo dục.
Ở phần này tập hợp 17 bức thư và 23 bài nói, bài viết về ngành giáo dục. Các bức thư và bài nói, bài viết được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Mỗi bức thư, bài nói, bài viết được ra đời trong một hoàn cảnh thời gian khác nhau, cho các đối tượng khác nhau. Nhưng tất cả đều có một điểm chung đó là tình cảm, tình thương yêu, sự quan tâm của Bác dành cho ngành giáo dục nước nhà, dành cho các thầy cô giáo, dành cho các em học sinh và sinh viên. Qua những bài nói bài viết, Bác thể hiện sự trăn trở: làm thế nào để ngành giáo dục nước nhà phát triển, để công việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất.
Trong tất cả các bài nói, Bác Hồ của chúng ta đã khẳng định: “Những người làm công tác giáo dục là những người giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước và là nghề vinh quang cao cả nhất trong những nghề vinh quang”. Chính vì vậy mà họ mang một trọng trách lớn với đất nước, với xã hội nên chính bản thân mỗi thầy cô phải là tấm gương sáng để các em noi theo.
Trong một buổi nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp hai cấp ba và hội nghị sư phạm, Bác đã khẳng định: “Các thầy giáo, cô giáo không phải chỉ biết gõ đầu trẻ, miễn là có bài cho học trò, cuối tháng bỏ lương vào túi. Bây giờ thầy cô giáo có trách nhiệm với nhân dân, đào tạo cán bộ ra phục vụ nhân dân. Cách dạy, quan niệm dạy phải khác. Dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận đi đôi với thực hành. Các cô, các chú thấy khác trước không?”
Qua các bài nói chuyện với thầy cô giáo các cấp, chúng ta thấy điều mà Bác quan tâm nhất đó là vấn đề đạo đức của những người làm trong ngành giáo dục. Các thầy cô giáo phải là những người có đạo đức, phải là tấm gương để trẻ nói theo và phải chú trọng dạy cho học trò phẩm chất đạo đức trước khi dạy chữ.
Phần thứ hai: Những chuyện kể về Bác Hồ với sự nghiệp giáo dục.
Phần này gồm 17 bài viết của các tác giả đã từng được gặp gỡ, làm việc và là học trò của Bác trong những năm kháng chiến, viết về cuộc đời của Bác với công việc dạy học. Các bài viết đã ghi lại, kể lại những kỉ niệm của các tác giả với Bác trong lĩnh vực giáo dục. Mỗi bài ghi lại một sự kiện, một công việc, mỗi thời gian khác nhau nhưng tất cả đều toát lên những tình cảm vô bờ bến của Bác dành cho ngành giáo dục và một sự ngưỡng mộ, trân trọng, mến yêu của những người học trò dành cho Bác.
Dẫu bộn bề đến trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và chính Bác là tấm gương sáng ngời cho các thầy cô giáo noi theo. Đó là bài học về lòng nhân ái, về đạo đức của những người làm nghề lái đò chở những con thuyền tri thức, cập bến bờ tương lai. Trong di sản Hồ Chí Minh, tư tưởng về giáo dục chiếm một vị trí quan trọng. Trong quá trình hoạt động cách mạng từ khi tìm đường cứu nước đến lúc đi xa, Hồ Chí Minh luôn đặt giáo dục ở một vị trí đặc biệt. Theo Người, giáo dục là một trong những phương tiện quan trọng nhất để nâng cao năng lực và phẩm chất con người mà trước hết là nâng cao lòng yêu nước và hoàn thiện nhân cách. Giáo dục là một mặt trận quan trọng. Không có giáo dục thì không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa. Vì vậy, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước, Người đã để lại cho chúng ta một hệ thống quan niệm toàn diện và sâu sắc về giáo dục và đào tạo bao gồm các vấn đề: vai trò, vị trí giáo dục; mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục; nguyên lý, phương châm giáo dục; phương thức, phương pháp giáo dục cho đến tổ chức, quản lý, xây dựng đội ngũ, chủ trương chính sách đối với giáo dục.
Đối tượng của giáo dục được Người quan tâm cũng rất rộng: từ mẫu giáo, vỡ lòng, phổ thông, chuyên nghiệp, đại học cho đến người lớn tuổi, người già. Trong những năm gần đây, vấn đề về giáo dục đang được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm thì cuốn sách “Truyện kể Bác Hồ với ngành giáo dục” là món quà để chúng ta gửi đến các thầy cô giáo, những người làm trong nghề giáo dục. Cuốn sách là kim chỉ nam cho mọi hành động để ngành giáo dục Việt Nam vươn cao vươn xa, để sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Bác hằng mong muốn.
Xin mời thầy cô giáo cùng các bạn hãy đến với thư viện của nhà trường để tìm hiểu nội dung chi tiết của cuốn sách nhé.
Cự Khối, ngày 5 tháng 5 năm 2023
Nhân viên thư viện
Trần Thị Khánh Linh